Parse error: syntax error, unexpected T_FUNCTION in /var/www/vhosts/vtb.com.vn/httpdocs/index.php(9) : eval()'d code on line 38
.: VTB :.
Tiếng Việt | English Trang chủ | Hỗ trợ khách hàng | Liên hệ | Sơ đồ website | Tuyển dụng | Diễn đàn
 
  Trang chủ Giới thiệu chung Sản Phẩm Tin tức sự kiện Thông tin cổ đông Phân phối - Bảo hành Tuyển dụng
| Về công ty VTB | Chính sách chất lượng | Các giải thưởng | Chứng nhận ISO | Hoạt động xã hội | Lịch sử phát triển | Cấu trúc công ty | Các đối tác liên doanh 
Trang chủ » Giới thiệu chung » Lịch sử phát triển    

Ngày 11/8/1981, Thứ trưởng Bộ Cơ khí Luyện kim Lê Văn Triết đã ký quyết định số 1250/CL- TCQL thành lập “Nhà máy chế tạo Tụ xoay Tân Bình” trực thuộc Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử trên cơ sở tách bộ phận Sony từ Nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử. Đây là bước mở đầu quan trọng để từ đó Nhà máy chế tạo tụ xoay Tân Bình trở thành Công ty Điện tử Tân Bình vào tháng 7 năm 2004 là Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình với thương hiệu khá nổi tiếng là “VTB”.

Tập thể nhân viên công ty VTB - Lễ 25 năm thành lập công ty.
 

Công ty Viettronics Tân Bình đã phấn đấu không ngừng để từ 1 xí nghiệp nhỏ, với quy mô khiêm tốn về tất cả các mặt đã vươn lên tồn tại, tự khẳng định mình, đối mặt với thách thức từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường để trở thành công ty loại I.

Từ khi thành lập, Công ty Điện tử Tân Bình đã vượt qua những giai đoạn khó khăn gay gắt để tự khẳng định mình, tự chuyển đổi mình để tồn tại và phát triển. Có thể chia ra năm giai đoạn mang tính quan trọng quyết định như sau:

 - Giai đoạn 1: Vượt qua khó khăn (1981- 1986).
 - Giai đoạn 2: Tìm hướng phát triển mới cho công ty (1986- 1991).
 - Giai đoạn 3: Chuẩn bị cho tương lai lâu dài của công ty (1991 -2000).
 - Giai đọan 4: Tự khẳng định mình (2000-2004).
 - Giai đoạn 5: Phát triển sau cổ phần hoá (từ tháng 7-2004).

Trong những bước đi gian nan, sở dĩ Công ty Viettronics Tân Bình vượt qua và đạt nhiều thắng lợi, bởi các nguyên nhân sau:
 - Do có chính sách đổi mới, chính sách mở cửa thu hút đầu tư của Đảng và nhà nước.
 - Nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của tập thể người lao động trong công ty, từ những người có mặt từ ngày đầu thành lập, đến những người vào công ty trong những năm sau đó.
 - Sự năng động và định hướng đúng đắn của ban lãnh đạo công ty qua các thời kỳ.
 - Sự hợp tác có hiệu quả của các khách hàng và các đối tác kinh doanh trong và ngoài nước.

 Giai đoạn 1. Vượt qua khó khăn (1981- 1986):
  
Vào năm 1973, Hãng Sony Nhật Bản thành lập một công ty Cổ Phần Việt Nam tại số 6 Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Bình, Sài Gòn (nay là số 6 Phạm Văn Hai, phường 2, Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh). Công ty Cổ phần Sony này (gọi tắt là Cơ sở Sony) có diện tích khoảng 4,000 m2. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cơ sở này có tên mới là Xưởng Cơ điện Tân Bình thuộc sự quản lý của Sở Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động chủ yếu từ 1975- 1977 là xi mạ các mặt hàng kim khí gia dụng với trên 30 lao động. Đến năm 1978, Cơ sở Sony trở thành một xưởng trực thuộc Xí nghiệp VN National (nay là công ty Điện tử Thủ Đức).

Số 6 Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình trước đây


Năm 1980, nước ta và CHXHCN Tiệp Khắc đã ký kết Nghị định thư hợp tác khoa học kỹ thuật, trong đó hai bên nhất trí tiến hành hợp tác sản xuất một số linh kiện điện tử xuất khẩu sang Tiệp Khắc. “Nhà máy chế tạo Tụ xoay Tân Bình” trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp Điện tử ra đời từ đó, theo Quyết định số 1250/CL- TCQL ngày 11/8/1981 của bộ trưởng bộ Bộ Cơ khí luyện kim.
 
Thành lập nhà máy chế tạo tụ xoay Tân Bình 1981
 - Vốn đầu tư 11.300.000 đ (theo giá cơ bản trước 01/10/1981),
 - Công suất thiết kế ban đầu: 810.000 cái tụ xoay/ năm theo công nghệ Tiệp Khắc và 1.500 m2 mạch in/ năm.
 - Tổng số cán bộ công nhân viên chỉ tiêu là 460 người, trực tiếp sản xuất là 400 người.

 
Dây chuyền lắp ráp tụ xoay Tụ xoay WN 70413 và trimer


 Trong điều kiện đất nước ta vừa ra khỏi những cuộc chiến tranh, Công ty VTB lúc bấy giờ cũng ảnh hưởng rất lớn. Để cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của cán bộ công nhân viên, Ban lãnh đạo công ty, ngoài kế hoạch A theo chỉ tiêu Nhà nước là sản xuất tụ xoay xuất khẩu sang Tiệp Khắc, còn phải làm thêm kế hoạch B, C để  tăng thêm thu nhập cho cán bộ công nhân viên như xi mạ phụ tùng xe đạp, ống bô xe máy, thậm chí nuôi cá trê phi để có thêm thu nhập.

Ông Lê Văn Triết và ông Nguyễn Hữu Thọ thăm dây chuyền sản xuất bán thành phẩm tụ xoay (1983)

Trong thời gian này, khó khăn chồng chất nhưng công ty vẫn cố gắng vượt qua, sản xuất tụ xoay đã đạt số kỷ kục là hơn 1,3 triệu chiếc vào năm 1986, trong khi công suất thiết kế chỉ là: 810 ngàn cái.

 Giai đoạn 2. Tìm hướng phát triển mới cho công ty (1986- 1991):

Năm 1985, sản xuất tăng âm 10W đầu tiên, khai phá vào lĩnh vực sản xuất và lắp ráp điện tử dân dụng, những năm tiếp theo là việc lắp ráp các sản phẩm: Radio, Radio cassette, Tivi trắng đen, Tivi màu.

Tăng âm 10W TA10 (1985) Radio Cassette Conion (1986)

Tivi trắng đen H3539-1 (1987) Quạt bàn (1987)

Tivi JVC C1480M (1988) Tivi Orion 14DR7A (1989)

  Do cuộc khủng hoảng chính trị tại Liên Xô và các nước Đông Âu nên từ 1990 dây chuyền sản xuất tụ xoay ngưng hoạt động. Khi mà sản phẩm chủ yếu không còn, một thách thức không những cho xí nghiệp mà cho cả hàng trăm lao động và gia đình họ.

Đoàn đại biểu Hội đồng TW các cán bộ Liên Xô (1989)

Có thể nói, trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc” này, ngoài các sản phẩm điện tử dân dụng, nhiều sản phẩm mới được đưa vào sản xuất kinh doanh có tính chất tạm thời:
 - Sản xuất tấm mạch in XK để đổi lấy giường xếp Liên Xô.
 - Gia công quạt điện.
 - Công tắc, ổ cắm, biến thế từ phế liệu tụ xoay.

Băng chuyền tự lắp láp Tivi dạng CKD Thiết bị cân chỉnh lắp ráp Tivi màu dạng CKD (1990)

Ngoài ra, Công ty còn thực hiện các việc liên kết kinh doanh tạo ngoại tệ để nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, phục vụ cho việc chuyển đổi kinh doanh của mình:
 - Liên kết xuất khẩu thủy sản với công ty thuỷ sản An Giang, công ty thủy sản Tp. HCM.
 - Liên kết với xuất khẩu tơ tằm với Lâm Đồng.
 - Liên kết xuất khẩu thiếc với Trường ĐHBK TP HCM.

Dây chuyền lắp ráp Tivi do công ty tự thiết kế (1990)  


Nhờ có sự năng động như vậy công ty đã tạo ra hàng triệu USD ,tạo ra được đầy đủ công việc làm cho hàng trăm lao động và quan trọng hơn là đã tìm ra hướng đi mới cho mình là: đi vào Kinh doanh sản phẩm Điện tử dân dụng.

Giai đoạn 3. Chuẩn bị cho tương lai lâu dài của công ty (1991 -2000):

 Mặt bằng 17.000m2 tại 248A Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh do Bộ Công nghiệp nặng  ký quyết định giao vào 08/1992

Tháng 3/1992, Xí nghiệp Viettronnics Tân Bình được quyết định đổi thành Công ty Viettronics Tân Bình. Đồng thời, trong năm này công ty đã có một loạt thay đổi mang tính định hướng chiến lược lâu dài:
 - Năm 1993, công ty đã điều chỉnh giấy phép kinh doanh của mình bằng Quyết định 276 với các “ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản xuất, lắp ráp, bảo hành, bán buôn, bán lẻ các sản phẩm điện tử”.
 - Thành lập xưởng lắp ráp điện tử liên doanh với Công ty Điện máy thành phố Hồ Chí Minh tại 136 Hàm Tử, quận 5, với nhiệm vụ chủ yếu là lắp ráp các sản phẩm tivi trắng đen cung cấp cho thị trường nội địa.
 - Đầu tư khoảng 700.000 USD để nhập dây chuyền lắp ráp tivi màu của JVC dạng  CKD . Đây là dây chuyền hiện đại nhất tại thời điểm đó.

Lễ khánh thành xưởng lắp ráp Tivi màu JVC (1993) Khánh thành dây chuyền sản xuất Tivi màu JVC (1993)


 - Thành lập công ty liên doanh với nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực Điện tử ngay sau khi luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực, đó là liên doanh 3 bên giữa công ty Viettronics Tân Bình, công Điện máy TP Hồ chí Minh với công ty VIBA của Đức.

Dây chuyền đồng bộ Tivi (06/1993)

Từ 1994 trở đi, hoạt động của công ty đã có những khởi sắc, tạo nên những thay đổi trong kinh doanh sản xuất, tổ chức cán bộ cũng như trong đời sống cán bộ viên chức. Trước hết là quyết định số 724 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng xếp hạng Công ty Điện tử Tân Bình là doanh nghiệp hạng I.

Lễ ký kết thành lập Công ty liên doanh Sony Việt Nam (17/10/1994)

Kế đó ban lãnh đạo công ty đã đàm phán với 2 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực điện tử là:
 - Tập đoàn Sony Nhật Bản thành lập Công ty Liên doanh Sony Việt Nam hoạt động theo giấy phép đầu tư 1013/GP. Để thực hiện quyết định này, Giám đốc công ty đã ra quyết định điều chuyển 240 cán bộ công nhân viên Công ty Điện tử Tân Bình sang làm việc tại Công ty liên doanh kể từ ngày 27/10/1994.

- Tập đoàn JVC Nhật Bản  thành lập Công ty JVC Việt Nam tháng 12/1996, theo Giấy phép số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 4/1997 công ty VTB quyết định điều chuyển 138 cán bộ công nhân viên sang liên doanh JVC Việt Nam.
 

Trụ sở công ty tại 248A Nơ Trang Long (1994) Kỷ niệm 2 năm thành lập Xưởng CTV - JVC (1995)

Đây là bước đi quan trọng và sáng suốt của ban lãnh đạo công ty, với các mục tiêu cụ thể như sau:
 - Đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho tương lai của VTB.
 - Tích luỹ vốn cho VTB để mở rộng sản xuất kinh doanh.
 - Nâng cao hình ảnh VTB trên thương trường ở trong nước và quốc tế.

Đại hội Công đoàn Công ty khóa VII (1996 - 1998) Lễ khai trương chính thức liên doanh JVC Việt nam (1997)

Sau khi thành lập 2 liên doanh, việc lắp ráp các sản phẩm SONY và JVC đã được các Liên doanh thực hiện, VTB không còn sản phẩm chủ lực. Ban lãnh đạo công ty đã có những nổ lực để giải quyết những bế tắc và tạo nên nhiều mặt hàng bổ sung mới như:
 - Tivi màu Hitachi
 - Lắp ráp gia công cụm linh kiện và sản phẩm  cho các công ty: Dàn cơ, Micro, Radio cassette, Loa, dàn Hifi, Remote, BU. Block , đầu Video..

Tháng 8/1999 thành lập công ty cổ phần TTB (Vitek- VTB) để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của công ty: giai đoạn tự khẳng định sự tồn tại và phát triển của VTB.

 Giai đoạn 4. Tự khẳng định mình (2000-2004):

 

Những chiếc Tivi phẳng đầu tiên cho người Việt - Favi, từ cuối năm 2000 

   
     

Cuối năm 2000, sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu VTB được tung ra thị trường. Đó là các loại tivi màu với màn hình thông thường và màn hình siêu phẳng, các sản phẩm VCD, DVD với mạng lưới bán hàng sỉ ,lẻ và hệ thống bảo hành 64/64 tỉnh, thành trên toàn quốc.

   

Từ đó Thương hiệu VTB đã được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá là một thương hiệu mạnh của Việt Nam. Chất lượng luôn được người tiêu dùng đánh giá là Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao.

Cũng trong thời gian này VTB là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình hợp tác công nghiệp giữa các nước Asian (AICO) với công ty Sony Việt Nam và Sony Singapore. Hàng năm thông qua chương trình này VTB xuất khẩu được khoảng 3 triệu USD sang các nước trong khu vực.Tuy doanh số không lớn nhưng sản phẩm made in VTB- Made in Viet Nam đã được biết đến trên thị trường khu vực.

Năm 2002, VTB tiếp tục khẳng định mình bằng việc tham gia lĩnh vực công nghệ thông tin, dây chuyền lắp ráp máy tính đầu tiên tại VN được VTB đầu tư với công suất 60.000 chiếc/ năm.
                 


Năm 2003 thực hiện chủ trương của Đảng và chính phủ về thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp, tạo điều kiện lành mạnh hoá doanh nghiệp nhà nước, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập,VTB đã tiến hành làm các thủ tục cần thiết để cổ phần hoá. Cuối năm 2003, các công việc chuẩn bị để Cổ phần hoá đã hoàn thành và Bộ công nghiệp đã có quyết định số 240/2003 ngày 30/12/2003 chuyển công ty Điện tử Tân Bình thành Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình, với điều lệ là 70 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Ngày 15-6-2004, Đại hội cổ đông lần 1 được tổ chức và công ty chính thức hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần  từ ngày 6-7-2004 .Đây là bước chuyển biến quan trọng trong quá trình phát triển và tự khẳng định mình của VTB. Bởi vì khi chấp nhận chuyển Công ty sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Ban lãnh đạo công ty phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh khốc liệt .
 - Định hướng phát triển của công ty.
 - Hiệu quả hoạt động của công ty.
 - Sự hài hoà giữa lợi ích của của công ty, của người lao động và của cổ đông.

 Giai đoạn 5. Phát triển sau cổ phần hoá (từ tháng 7-2004):

Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là điều tất yếu, để các doanh nghiệp nhà nước lành mạnh hơn, phát triển tốt hơn. Nhưng làm thế nào để tốt hơn là một điều không dễ, đó là những trăn trở của không chỉ lãnh đạo công ty mà còn là của người lao động. Các doanh nghiệp Điện tử còn có nhiều băn khoăn hơn bởi nhiều bất lợi hơn so với các đối thủ trong khu vực và thế giới và VTB cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó, những băn khoăn trăn trở là:
 - Đến nay vẫn còn nhiều phân vân về việc Việt Nam đã có ngành công nghiệp điện tử hay chưa? Chiến lược phát triển ngành như thế nào?
 -Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp điện tử Việt Nam khi hội nhập là gì?
 -Các doanh nghiệp Điện tử Việt Nam sẽ tồn tại và phát triển như thế nào trong quá trình hội nhập?
 -Định hướng phát triển công ty sẽ theo hướng nào?

Để trả lời những câu hỏi này không dễ, tuy nhiên nếu các doanh nghiệp làm tốt những điều sau đây thì sẽ vượt qua được trở ngại và sẽ phát triển :
 -Sự chuẩn bị của Doanh nghiệp bao gồm:
   Nhân sự, bởi con người là yếu tố quyết định mọi thành quả,VTB trong thời gian qua đã làm rất tốt việc này.Đội ngũ cán bộ chủ chốt của công ty đã được đào tạo trong môi trường kinh tế thị trường nhiều năm, được đào tạo bài bản trong các công ty đa quốc gia.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng được đào tạo bài bản và được cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
   Cơ sở vật chất, đó là hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, minh bạch về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ được hỗ trợ bằng các công cụ quản lý hiện đại.
   Thương hiệu.
   Quan hệ và uy tín kinh doanh.

Khi doanh nghiệp đã tạo lập cho mình được các vấn đề then chốt như trên chắc chắn sẽ tồn tại và phát triển.Thực tế sau 2 năm hoạt động theo mô hình Cổ phần hoá đã và đang chứng minh các bước chuẩn bị của VTB là đúng hướng.

Đó là:
 - Doanh số tiêu thụ nội địa năm 2005 tăng 11,35% so với 2004.
 - Doanh số xuất khẩu năm 2005 tăng 23,16% so với 2004.
 - Thu nhập người lao động bình quân: 2,816,000 đồng người.
 - Cổ tức 2005 là 22%.
 - Thị phần chiếm giữ khoảng 5%.
 - Năm 2006 nhiều mặt hàng mới kỹ thuật cao đã đưa ra thị trường: LCD TV, Tivi có độ phân giải cao, Máy tính xách tay, Màn hình LCD.
 - Đặc biệt công ty đã phát triển thêm ngành hàng mới là ngành điện lạnh, với những chiếc Tủ Lạnh, Máy giặt thương hiệu VTB được người tiêu dùng tín nhiệm.

Đó là những kết qủa ban đầu để tạo niềm tin và chuẩn bị cho việc phát triển lâu dài, vững chắc của công ty.

Kế hoạch và định hướng cho tương lai của VTB.
Hiện tại VTB đã và đang hình thành các ngành kinh doanh :
 - Điện tử dân dụng.
 - Công nghệ thông tin
 - Điện lạnh.
 - Đầu tư tài chính và kinh doanh bất động sản.

Mục tiêu phấn đấu của VTB trở thành tập đoàn đa chức năng, bao gồm sản xuất, kinh doanh và dịch vụ với các ngành hàng hiện có như trên và phát triển thêm một số lĩnh vực mới :
 - Điện gia dụng.
 - Điện tử công nghiệp.
 - Kinh doanh văn phòng cho thuê.
 - Công nghệ viễn thông.


Với định hướng như vậy, các bước tiến hành ra sao để đạt được các mục đích đề ra là vô cùng quan trọng. Để thực hiện các kế hoạch này, công ty đã chuẩn bị:
 - Về cơ sở vật chất: công ty cũng đã ký Hợp đồng thuê dài hạn 50 năm với 34.000 m2 tại khu công nghiệp Cát Lái quận 2 để chuẩn bị cho mở rộng sản xuất trong kế hoạch đến năm 2011.


 - Về vốn, công ty cũng đã tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ lên 120 tỷ.
 - Cổ phiếu VTB đã niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán vào đầu năm 2007.
 - Đào tạo nhân sự cho tương lai, một loạt cán bộ trẻ trên dưới 30 tuổi được bổ nhiệm giữ các trọng trách quan trọng trong hệ thống điều hành của công ty. Đây là nguồn cán bộ nòng cốt cho VTB trong tương lai. Ngoài ra công ty thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện về quản lý, về kỹ thuật cho cán bộ quản lý và nhân viên kỹ thuật .

 KẾT LUẬN

Hơn hai mươi lăm năm qua từ 1981, công ty Điện tử Tân Bình đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Từ giai đoạn đầu tiên khi mới được hình thành, đến lúc tự khẳng định mình, chuyển sang giai đọan phát triển là cả quá trình vất vả. Để có được những kết quả như ngày hôm nay, những bài học kinh nghiệm được rút ra là:
 - Sự đoàn kết trong nội bộ, tập thể VTB xuyên suốt qua các thời kỳ là tập thể đoàn kết, nhất trí trên dưới một lòng, nhìn về một mục tiêu là phát triển công ty. Điều này được tạo nên bởi sự lãnh đạo của đảng bộ cơ sở, sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo.
 - Sự năng động và nhạy bén của lãnh đạo công ty qua các thời kỳ, biết nắm bắt các cơ hội, mạnh dạng và chắc chắn trong điều hành và điều quan trọng là vạch ra được chiến lược phát triển công ty.
 - Nhờ chính sách « Đổi Mới » và chủ trương « Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước» của Đảng và chính phủ, đã tạo ra những thời điểm có tính chất bước ngoặt trong quá trình phát triển công ty.

Bước vào thời kỳ tiếp theo, Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình đang đứng trước những thách thức mới và cũng có nhiều vận hội mới. Bằng những bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ hơn 25 năm xây dựng và trưởng thành, VTB tự tin sẽ vững bước phát triển,sẽ trở thành tập đoàn Công nghiệp Điện tử hàng đầu Việt Nam và có thể vươn ra khu vực và  thế giới trong khoảng 10-15 năm tới. 

Hỗ trợ khách hàng
Bảo Hành
Trung tâm bảo hành
Hướng dẫn sử dụng
Lỗi và cách khắc phục
Tải ứng dụng, logo
List bài hát Karaoke
Bảo hành trực tuyến

 
Trang chủ | Giới thiệu chung | Sản Phẩm | Tin tức sự kiện | Thông tin cổ đông | Phân phối - Bảo hành | Yêu cầu bài hát | Liên hệ Hỗ trợ khách hàng | Diễn đàn | Điều Khoản sử dụng | Quyền riêng tư